Từ phía bên lưng của đèo Khau Phạ, con đèo hiểm trở mà ngày nay có rất ít xe cộ qua lại, chúng tôi dừng lại giữa lưng chừng trời để tận hưởng khung cảnh hùng vĩ toàn cảnh thung lũng Tú Lệ phía dưới chân đèo. Khau Phạ hay còn được gọi là Cao Phạ, nghĩa là Sừng Trời
Đứng từ bên đèo, theo tầm mắt thẳng phía trước, thấy một con đường như sợi chỉ mỏng vắt thẳng lên trời. Nơi xa tít tắp ấy có ngôi làng nhỏ mang cái tên Lìm Mông.
Con đường càng khó càng thôi thúc cánh chạy bụi chinh phục cho bằng được. Trời sẩm tối, hai chiếc xe đến được chân đường lên trời, rồ ga phóng tới.
Con dốc dài tưởng chừng như được bôi mỡ trơn tuột. Đất đỏ vá đất sét quyện lại, cứng và trơn trượt. Chiếc xe gầm gừ cố lao lên con dốc cho bằng được.
Đường đã dốc lại còn không phẳng, gập ghềnh những khấc cao thấp khiến xe người ngồi xe tưởng như sắp nẩy ra ngoài. Người dân tộc chạy xe Win lao qua, con xe mang thương hiệu Trung Quốc mà máy khỏe, leo dốc khỏe.
Được một hồi thì cánh con gái phải xuống xe đi bộ vì xe không đủ sức cho hai người nữa. Hai đứa con gái leo lũng thững với mấy cô bé của làng Lìm Mông, trên cao này chỉ có duy nhất ngôi làng này nằm ở điểm cao nhất
Theo tập quán, người Thái thường chọn những nơi bằng phẳng, gần nguồn nước để sinh sống, trong khi người Mông lại chọn những đỉnh núi cao, thoáng mát để làm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thói quen làm rẫy du canh du cư vẫn còn dù đã được chính phủ hỗ trợ nhiều.
Người Mông xuất hiện đầu tiên ở Mèo Vạc, phía Hà Giang rồi di cư dần sang núi các tỉnh phía Bắc. Giờ thì số lượng người dân tộc này đã sánh ngang với Mèo Vạc.
Rải rác trên khắp đất Yên Bái, trên những rẻo cao, lưng chừng giữa mây trời, những bản làng vắt vẻo trên cao. Người ta phải leo rất cao mới tới được và những bản nằm tách biệt hẳn với xóm làng phía dưới. Tà Si Láng, Phình Hồ cho đến Chế Cu Nha, La Pán Tẩn rồi Lìm Mông, những cái tên mà khi nghĩ tới đã thấy ở xa lắm.
Chiều buông dần khi chúng tôi đến được với bản. Vài nếp nhà gianh nằm ẩn hiện sau mấy gốc đào, lũ lợn mọi đen trũi ì oạp ăn bữa tối. Trong nếp nhà của anh bạn trưởng bản, ấm áp quanh bếp lửa hồng. Nhà anh cũng như nhiều gia đình khác đều có tục cả nhà cùng sống dưới một nếp nhà. Gia đình anh có tất cả 26 người, là bố mẹ, anh chị em, rồi lập gia đình, con cái đều vui vầy.
Từ Lìm Mông, toàn cảnh thung lũng Tú Lệ hiện mờ ảo trong sương chiều. Ánh trăng bạc khiến khung cảnh thêm huyền ảo. Trong trời đất bao la, thấy con đường nhỏ xuống núi hun hút tấm mắt. Xuống được chân núi, chúng tôi ngồi lại bên cây cầu bắc qua suối, ngắm trăng và hưởng hương thơm của đất và lúa đang vào mùa gieo mạ.
Người Mông giỏi nghề làm ruộng. Những ruộng bậc thang nổi tiếng trên khắp cả nước đều nằm tại xứ Mù Cang Chải. Thung lũng Tú Lệ nổi tiếng với gạo nếp và gà đồi. Ai qua đây cũng ghé lại ăn bát xôi nếp nương và mang dăm ba cân gạo về làm quà.
Đến mùa lúa, người ta sẽ ngẩn ngơ trước một vẻ đẹp không hai của những cánh đồng bậc thang, những thành quả lao động tuyệt vời của bà con dân tộc Mông suốt một năm trời.
Du lịch, GO! - Theo Citilink, internet
Trên đỉnh Lìm Mông
Tháng 9, Tây Bắc bạt ngàn lúa và lúa, chỗ này còn xanh, chỗ kia đã chín vàng, chỗ khác đã kĩu kịt tay liềm, quang gánh. Tháng 9, khi những cơn gió se đầu tiên mang theo hương hoa bưởi vào phố, tôi lại nhớ những ngày lang thang và giây phút đứng trên đỉnh Lìm Mông, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Đã bao lần tôi dừng chân trên đèo Khau Phạ, cùng bạn bè chỉ về phía con đường đất đỏ vạch một nét dài quanh co trên lưng núi ở bên kia thung lũng, bảo nhau: nhất định sẽ có ngày mình đi về phía ấy!
Thu Cúc, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Tú Lệ... những địa danh đã thuộc nằm lòng trên quốc lộ 32 qua vô vàn chuyến đi hướng lên Tây Bắc, hôm nay thêm một lần lại được điểm danh trong một hành trình.
1 - Chuyến đi cuối tuần khá vội. Nắng lên lấp lánh trên những đồi chè Thanh Sơn trải dài thơm ngát hai bên đường. Đám trẻ tan học tíu tít đạp xe với chiếc ghế nhựa xanh đỏ lúc lắc sau yên. Những vành nón nhấp nhô giữa biển chè xanh ngút mắt. Chỗ này hái chè bằng tay, chỗ kia ngắt chè bằng máy, ai nấy đều hối hả giữa cái nắng cuối hè còn sót lại.
Thở một hơi thật dài, khoan khoái, những bụi bặm mệt nhoài của thành phố đã ở lại sau lưng, rất xa. Trái tim rộng mở thêm ra để đón những cơn gió trong trẻo mát lành nơi miền trung du Phú Thọ, bất chấp mặt đường đang nóng ran dưới ánh mặt trời.
Dừng chân trên đèo Khau Phạ ngắm thung lũng Cao Phạ bát ngát trong màu lúa, bốn bề là núi giăng thành, những dãy núi uy nghi và tráng lệ như ý nghĩa của chính cái tên Khau Phạ - “Sừng Trời”.
Chúng tôi từng hội ngộ bạn đồng hành trong chuyến đi, từng tíu tít “súng, ống” (một cách gọi vui máy ảnh) để ghi dấu bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp miền tây Yên Bái, nhâm nhi ly cà phê ấm sực trên đỉnh đèo gió lộng, ngồi miên man trên thành taluy và tay siết chặt tay bạn đồng hành.
Đã có nhiều cảm xúc, những kỷ niệm ở một chốn mà khi căng mắt qua bên kia thung lũng, có một con đường và những mái nhà cứ hút dần, hút dần nơi cuối trời. Phía ấy là Lìm Mông.
2 - Phải vòng đi vòng lại một lúc chúng tôi mới tìm thấy con đường đi về phía thung lũng, nối Lìm Thái với Lìm Mông, cạnh một vách núi có hang đá khá lớn. Lìm Thái là bản của người Thái, nằm gần quốc lộ, ngay bên bờ suối Nậm Có, theo đúng tập tục định cư và sinh sống của người Thái, ở gần nguồn nước.
Những ngôi nhà sàn bản Lìm Thái nằm rải rác bên đường, nhất là đoạn đã bêtông hóa. Nhưng ở bên kia con suối đi lên bản Lìm Mông vẫn là con đường đất đỏ, sống trâu, sống ngựa nhập nhằng.
Cả nhóm vừa chạy xe vừa vẫy tay chào mấy cô gái Thái đang đứng bên nhà sàn hong tóc, chải đầu, phơi sợi nhuộm trên bờ rào ống tre. Suối Nậm Có mùa này khá cạn, đá cuội nằm lổn nhổn vẫn không ngăn được những chiếc xe Win của trai bản phóng ào qua. Chúng tôi rón rén chạy xe qua cây cầu bằng phên tre rộng khoảng 1m vì không muốn băng qua suối. Mấy anh bạn Mông thấy vậy cười “phán” tay lái thanh niên người Kinh “chưa tinh luyện”.
Những chiếc xe như phiêu giữa một biển lúa mênh mang bát ngát, dập dồn. Hương lúa mới dịu ngọt như xua tan cái nắng hanh khô gay gắt. Những cánh lúa dài, trĩu hạt, xanh mướt. Lúa cấy một mùa đang mang trên mình tấm áo của trù phú và ấm no.
3 - Lìm Mông là bản của người Mông. Đường lên Lìm Mông dốc ngược, nếu cắm biển báo chắc biển nào cũng trên 10 độ. Con đường đất đỏ, bụi mờ trong nắng khô, vào ngày mưa hẳn sẽ là một thách thức đáng sợ cho các tay lái. Những góc cua vừa gắt vừa dốc đến mức chiếc xe như muốn trôi tuột lại phía chân dốc.
Nhọc nhằn, nhưng đáng giá, khi cứ đi một đoạn lại phải dừng để nhìn ngược về phía Cao Phạ, về biển lúa đã nhìn không biết bao nhiêu lần từ phía quốc lộ 32. Hôm nay, vẫn biển lúa ấy mà từ phía Lìm Mông nhìn về sao thấy lạ, như ai đó vừa nghiêng đi bức tranh và mở ra những góc nhìn mới mẻ đến bất ngờ.
Chúng tôi dừng xe chơi với mấy đứa trẻ bên bờ ruộng được kè đá vững chắc, tranh thủ đi “thăm” lúa. Một người đàn ông Mông cùng gia đình đang hì hục chở gỗ từ dưới Lìm Thái lên bằng chiếc xe Win, từng chuyến, từng chuyến nhọc nhằn. Người Mông có thói quen sống trên núi cao bởi tính kiêu hãnh như chim đại bàng, muốn sống tự do giữa đất trời.
Khi người dưới xuôi càng tiến lên gần, người Mông sẽ dời nhà lên phía đỉnh núi cao hơn nữa. Không biết có phải vì thế mà bản Lìm Mông càng đi càng thấy chênh vênh lơ lửng trên “Sừng Trời”?
Trên đỉnh Lìm Mông. Tấm áo của núi rừng được điểm tô bằng màu xanh chen vàng, màu của sự no đủ. Mênh mông đến choáng ngợp, mộc mạc đến chơi vơi, yên lành đến lặng lẽ. Lặng lẽ như tôi khi ngồi trên vách núi đang xẻ đường dang dở thu vào trong ký ức vẻ đẹp của Tây Bắc, của Cao Phạ từ góc nhìn Lìm Mông.
Vẻ đẹp ấy chắc năm nào cũng đủ đầy và ấm áp, như khoảnh khắc siết tay bạn đồng hành, đã mãi mãi ở lại với Lìm Mông...
Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre, internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét