Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Dân “du lịch bụi” đổ về Mộc Châu ngắm hoa

Cuối tháng 11, khi mà Hà Giang đã qua mùa hoa tam giác mạch, dân “du lịch bụi” lại tìm đến Mộc Châu để thưởng thức mùa hoa nơi thảo nguyên bao la này.

Chỉ trong hai ngày thứ bảy, chủ nhật cuối tháng 11.2011, dân “du lịch bụi” tụ về đây để ngắm những đồi hoa cải, hoa chè, rừng mơ và cả hoa trạng nguyên, hoa dã quỳ nở muôn màu sắc.

Xe máy là phương tiện được lựa chọn số một để có thể đi từ Hà Nội tới Mộc Châu, thú vị nhất và len lỏi được vào những cánh đồng hoa cải đẹp nhất, lạ nhất. Dân “du lịch bụi” đi tìm cảm giác thanh bình giữa thảo nguyên bao la và săn những bức ảnh đẹp, đôi khi chỉ để chia sẻ với nhau trên Facebook.

Từ Hà Nội đi, Mộc Châu là huyện đầu tiên khi bước vào tỉnh Sơn La và chỉ cách Hà Nội chừng 200km. “du lịch bụi” bằng xe máy sẽ cảm nhận được cái bao la của đất trời khi đi qua đèo Thung Khe, dốc Kun thuộc tỉnh Hòa Bình. Thời gian xuất phát của các đoàn “du lịch bụi” thường là chiều thứ sáu. Điểm dừng chân đầu tiên là đỉnh đèo Thung Khe để phóng tầm mắt xuống thung lũng Mai Châu, thu toàn cảnh thị trấn nổi tiếng này vào ống kính để thấy những mái nhà sàn nhấp nhô như nốt nhạc mà ngỡ ngửi thấy cả mùi xôi nếp Mai Châu.

Để rồi, cả đoàn xe máy lại thả ga vào thị trấn Mai Châu, ngủ một đêm ở bản Lác hay xóm Lầu. Người Thái ở Mai Châu dù đã làm du lịch gần 20 năm nay, nhưng vẫn giữ được nếp sống truyền thống. Vẫn nếp nhà sàn và mó (tắm) nước suối, vẫn dệt thổ cẩm và săn bằng nỏ. Đêm Mai Châu có múa xòe và uống rượu cần đủ để cho dân “du lịch bụi” cảm nhận được không khí của vùng cao, nhưng họ phải ngủ sớm để dành sức cho chặng vượt đèo tiếp theo.

Sớm hôm sau, sau khi đã ăn chút xôi nếp, cả đoàn lên đường. Hạt nếp trồng ruộng nước ở thung lũng Mai Châu khác với hạt nếp dưới xuôi, lại đồ trong hông gỗ nên thơm dẻo ngon lạ thường. Từ Mai Châu lên Mộc Châu là những con đường đèo quanh co, nhưng không còn những khúc cua tay áo. Đường đèo đã được trải đẹp hơn. Đã có thể cảm nhận dần màu hoa dã quỳ dọc con đường tới thị trấn Mộc Châu.

Mộc Châu đón người đi đường bằng những vườn hoa đào hoa mận, thân trắng mốc, mọc đầy những cây địa y xanh nho nhỏ. Chỉ nghĩ đến những ngày xuân tươi đẹp, khi những cành cây khẳng khiu này đơm hoa đã đủ khiến lòng người háo hức. Rồi những thảm cỏ xanh mướt hiện ra sau những triền đồi, đâu đó thấp thoáng những ruộng hoa cải trắng như một mảng màu tô cho màu đất nâu.

Mùa đông và mùa xuân là hai khoảng thời gian đẹp nhất trong năm tại Mộc Châu. Mùa xuân, cả đất trời Mộc Châu khoe sắc hoa mận trắng và hoa đào rực rỡ. Và mùa đông là những thảm cỏ xanh, những hàng rào hoa dã quỳ màu cam sặc sỡ bên những cây hoa trạng nguyên rực đỏ. Tôi đếm được không dưới mười loài hoa cỏ khác nhau ở mảnh đất này. Những bông hoa lau, loài hoa dại trên cánh đồng cũng khoe sắc dưới bầu trời xanh.

Thị trấn Mộc Châu nổi tiếng với nhiều món ăn ngon và nông trường nuôi bò sữa. Lướt xe máy vào Nông trường Mộc Châu, đây đó phảng phất mùi phân bò, nhưng lại khiến cho dân phượt cảm nhận được hương vị đồng nội. Thú vị nhất vẫn là những đồi, ruộng hoa cải trải rộng. Hoa cải trắng ở Mộc Châu được trồng cùng đại mạch để cắt cả cây cho bò ăn. Nhưng mùa hoa nở thì lại tạo nên một bức tranh thơ mộng níu chân du khách cả hai ngày nghỉ cuối tuần.

Nhiều tín đồ của “du lịch bụi” dù đã đến Mộc Châu nhiều lần, nhưng cũng vẫn muốn trở lại nơi này đúng mùa hoa nở những dịp tháng 11 ngắm hoa trạng nguyên, hoa dã quỳ, hoa cải và dịp sau tết để ngắm hoa mận.

Những chiếc xe máy len lỏi từng con đường nhỏ trên thảo nguyên Mộc Châu trong cái se lạnh của vùng cao tiết cuối thu thực sự là cảm xúc khó quên. Để rồi, khi đêm buông họ lại ngồi trong nhà sàn thưởng thức món bê chao dầu, thịt ngựa treo gác bếp và cải Mèo xào thịt bò và cả măng luộc chấm “chéo”.

Chiều chủ nhật, tạm biệt Mộc Châu phóng xe về Hà Nội, “bắn” ảnh lên Facebook rồi ngủ một giấc để sớm sau quay về với công việc hằng ngày.

Du lịch, GO! - Theo Laodong, internet

Về bàu Đưng ăn cá đồng

Bàu Đưng nằm dưới chân núi Sơn Triều, giữa hai thôn Quy Hội và Đại Hội thuộc xã Phước An, huyện Tuy Phước-Bình Định. Bàu có từ lâu đời, rộng trên 120 ha, đa dạng nguồn lợi thủy sinh. Mặt bàu bao la, gần gũi, hiền từ như lòng mẹ đã nuôi sống bao thế hệ dân lành quanh hồ.

Phong phú nguồn lợi

Theo sõng ông Bùi Ngọc Liên, 80 tuổi ở thôn Quy Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước, tôi thật sự bị cuốn hút bởi không gian và sản vật bàu Đưng. Tầng trên mặt nước, lác ba cạnh mọc thành vùng rộng, đứng thẳng óng. Là đà mặt nước là bông súng trắng nhị vàng xen lẫn những khóm năng suôn mượt. Chuồn chuồn lác đủ màu, lên xuống bắt nước. Ong, bướm lượn lờ trên những đám rau dậy nở hoa trắng muốt. Tầng dưới mặt nước là rong đuôi chồn kết thành tấm dày, rướn thân vươn lên như những đụn san hô biển.

< Xúc cua bàu.

Đang mùa cá sặc làm tổ, mặt bàu buổi sớm luôn xao động. Ông Liên cho biết: “Lác và năng bàu Đưng là nguồn rác tủ hành, sắn nước, rau màu, dưa, kiệu rất tốt. Người dân Quy Hội nhờ nguồn lợi này mà bao đời trồng la ghim không tốn rơm, bạt tủ. Rau dậy và rong là nguồn thức ăn dặm cho heo, vịt. Dân quanh bàu tận dụng nguồn này thay cám để chăn nuôi. Lúa cỏ, lác non ở đây là nguồn thức ăn dồi dào để người dân phát triển đàn trâu, bò. Bèo lục bình là nguồn phân xanh hữu ích cho việc cải tạo đất gò. Cọng bông súng luộc chấm nước mắm ngon hay làm gỏi đậu phụng là món ăn ngon miệng sau những buổi làm đồng mệt nhọc của người dân quanh bàu!”.

Bồng bềnh trên những khoảng trống mặt bàu, thấy nhiều vùng nước nổi tăm, điểm sóng, tôi đăm chiêu. Ông Liên giải thích: “Đó là cá đớp móng. Bàu này nhiều cá lắm! Đủ các loài cá nước ngọt nhưng nhiều nhất vẫn là cá sặc và cá sóc lát (có nơi gọi cá thác lát). Quý nhất vẫn là chình bông và rùa nước nhưng đã hiếm. Cá, tôm, cua, ốc, lươn, chình bàu này rất ngọt, thơm khi nấu, không giống bất kỳ mùi vị thủy sản vùng nào khác. Món ngon mang hương vị riêng của bàu là món rồng rồng nấu canh lá dang với bông súng!”.

< Giăng, xúc trên bàu Đưng.

Sõng xuyên qua một vùng lác thưa xào xạc. Nghe tiếng động, mấy chú chim to như gà choai, đen mượt, từ mặt nước bay lên phành phạch. Đâu đó trên bàu the thé tiếng chim đàn. Ông Liên nhanh miệng: “Đó là chim trích. Còn tiếng kêu đằng kia là chim le le. Chúng sống thành bầy năm, sáu mươi con. Bàu này vốn nhiều chim và động vật nước. Trước đây có cả mười mấy loài như: trích, le le, cò lép, cò trắng, cò lọ nồi, cò xám, cúm núm, bói cá, se sẻ tàu, chim dán. Nhiều loài mất đi rất đáng tiếc như chim dồng dộc, gà nước, trăn nước và rái cá!”.

Rong ruổi qua thủy phận Ghềnh Đá và eo đình Đại Hội, tôi gặp nhiều đàn vịt nuôi thả rông mặt bàu, con nào cũng căng diều, sà sệch. Ông Liên dừng sào, chỉ tay về những doi đất đầu các ngọn suối, xanh um màu cây lá, bảo: “Nhờ nước từ bàu này mà nơi ấy đã thành những vùng trồng rau màu bốn mùa tươi tốt!”.

Bắt theo con nước

Long rong nửa ngày trên mặt bàu, tôi bắt gặp nhiều người làm nghề câu lưới. Lân la trò chuyện với anh Trần Văn Rải ở thôn Quy Hội lúc ghìm sõng nghỉ tay. Anh cho biết: “Trước đây, có hơn nửa số dân hai thôn Quy Hội và Đại Hội làm nghề câu lưới, nay 1/3 trong số họ lưu nghề, đi làm xưởng, chỉ còn lại người già và những người trụ cột gia đình. Tuy vậy hiện giờ còn khoảng vài trăm người giăng bắt thường xuyên”.

“Bàu mênh mông thế này, làm sao để bắt được cá?”, tôi hỏi. Anh Rải vui vẻ: “Có nhiều cách bắt lắm! Tùy theo mùa nước mà có cách bắt khác nhau. Riêng câu, lưới, trúm thì mùa nào cũng bắt được. Từ tháng tư đến tháng sáu, bàu hơi cạn, người ta tát đìa, tát vũng, xúc cào, xúc lát.

Tháng bảy, tháng tám, mưa giông đầu mùa, lại đơm cá rô, cá luối, cá lóc, sóc lát lên đẻ. Tháng chín đến tháng mười một, người ta thả chà, đơm cá sặc ổ, thọc tăm, xúc rồng rồng. Tháng chạp đến tháng ba, con nước thường, lại thêm cách bắt bằng lờ bậu, lờ bóng, vớt ốc, xúc cua!”.

Nghe nhiều cách bắt mới lạ, tôi tò mò, muốn biết. Anh Rải lần lượt giải thích: “Chà là bó cây dẻ ốc, chặt từ núi, gánh về thả xuống bàu lúc lũ dâng. Tôm, cua, cá, lươn, chình chui vào trú lũ, ăn nhớt từ chà. Sau khi lũ rút, người thả chà lội bàu, lùa chà vào rổ to vành, vạch, rẽ bó chà, bắt được nhiều loại, nhất là tôm, cua. Cách bắt này phổ biến trong người dân thôn Quy Hội.

Thọc tăm là hình thức đuổi cá lớn bằng đầu sào thọc xuống nước, theo dõi tăm cá chạy, lướt sõng theo, rồi dùng nơm lớn chụp xuống điểm cá dừng có màu nước vợn đục. Cách bắt này đòi hỏi kinh nghiệm và tỏ mắt. Hai thợ tăm nổi tiếng ở bàu này, bắt được nhiều cá chép 4-5 kg, cá lóc 3-4 kg là Năm Rõ và Bốn Tuấn!”.

“Còn đơm cá sặc ổ và xúc rồng rồng là sao?”, tôi hỏi. Anh Rải tiếp tục cho biết: “Cuối tháng mười, lũ rút, cá sặc làm tổ dày chân lác. Người dân chống sõng, chở vài chục lờ và vài mươi cây cờ giấy ra bàu. Họ dồn ba, bốn tổ cá thành một, trọn vẹn trong lờ, cắm cờ làm dấu. Cá sặc chui nhanh vào lờ tiếp tục sú bọt cho tổ. Có lờ vào được cả năm, sáu mươi con. Mùa cá sặc làm tổ, bàu vui như hội. Tiếng gọi bạn vọng xa, lời hỏi, chào, tiếng nói cười rộn rã giữa rừng cờ đơm đủ màu trên mặt nước, thật thích!


< Bắt lươn bằng trúm.

Còn rồng rồng là cá lóc con, sống thành bầy từ năm, sáu trăm đến vài ngàn con. Chúng theo mẹ đi ăn ở những vùng nước rộng, nổi tăm trắng xóa. Chúng lặn, nổi theo chu kỳ nhất định. Người xúc rồng rồng đội rổ nan đan dày to vành, lội nhẹ nhàng về điểm cá ăn. Chờ đến lúc cá vừa nhô lên, ửng đỏ mặt nước, người xúc đạp chân lao tới, ụp rổ, xoay tròn, vừa xoay, vừa giậm, vừa kéo.

Rồng rồng bị dồn một hướng, co cụm vào rổ. Nhiều con thoát được tiếp tục lớn lên thành cá lóc. Kiểu bắt này cũng đòi hỏi quen tay, tinh mắt. Trước đây có ông Hai Sơn, bác Bảy Hảo ở thôn Quy Hội, nay có thêm Bốn Bình, Bốn Tân cùng thôn là những người giỏi bắt kiểu này!”.

Vui, buồn mặt bàu

Thấy anh Rải còn trẻ, khỏe, tôi hỏi anh: “Sao không đi làm xưởng như những người khác?”. Anh tâm sự: “Làm xưởng, thu nhập ổn định nhưng đi cả ngày, nhà cửa không ai lo. Làm câu, lưới, tuy mùa được, mùa ít nhưng chịu khó làm thêm trúm, lờ thì thu nhập cũng bằng làm xưởng. Làm bàu, tôi tranh thủ đưa đón, trông coi con cái học hành. Tôi mến bàu, quen nước rồi, khó dứt!”. “Bằng làm xưởng là bao nhiêu?”, tôi tò mò.

Anh Rải tiết lộ: “Hầu hết những người làm bàu đều kết hợp nhiều kiểu giăng, buông, xúc, vớt. Ngày đêm họ đi bốn chuyến, ra - vào tám lần: gần sáng, giữa trưa, chiều tối và nửa đêm. Bắt được cá, họ nhốt lại bàu, sáng sớm đưa về bán. Căn cứ số lượng người làm và kết quả họ thu được thì ước tính bàu này, mỗi ngày đêm cho trên 200 kg thủy sản các loại.

Tùy theo con nước và kinh nghiệm nghề nghiệp của từng người mà sản lượng giăng bắt khác nhau. Mùa lũ, người làm bàu bình thường, một ngày đêm thu nhập từ 300 ngàn đến 400 ngàn đồng. Ngày thường, từ 120 ngàn đến 150 ngàn đồng!”.
Nhìn nhiều cụ già buông câu, vài phụ nữ vớt ốc dập dềnh trên nước, tôi không khỏi ngỡ ngàng và động lòng. Anh Rải cho hay:

“Họ là những người cả đời gắn bó với bàu. Cha, ông họ truyền nghề dệt lưới, buông câu lúc họ còn nhỏ xíu. Quanh đây, nhiều nhà có ba, bốn thế hệ làm bàu như gia đình anh Trần Kính, Nguyễn Công Rang, Hai Thì ở thôn Đại Hội, ông Bảy Hảo, anh Hai Luôn ở thôn Quy Hội. Họ bám bàu là vì thói quen, kế mưu sinh và là cách giữ, truyền nghề cho con cháu. Nhiều người trong số họ nuôi dạy con cái thành đạt như anh Kính, anh Rang!”.

< Thơm ngon cá đồng.

“Số lượng người làm bàu nhiều, có khi nào rủi ro hay bắt lén, bắt nhầm của nhau không?”, tôi phân vân. Anh Rải cười: “Tất cả những người ra bàu đều giỏi bơi. Có người bơi từ bờ bàu thôn này sang thôn kia. Người làm trên bàu này chưa có trường hợp chết đuối. Mặc dù không phân chia ranh giới nhưng ai nấy đều có vùng nước riêng để làm, không lấn chiếm, không tranh giành. Ngược lại, họ biết bảo vệ phương tiện, tài sản lẫn nhau!”.

Người làm bàu vui vì luôn đảm bảo giá trị ngày công, giữ được nghề của cha ông; vừa làm bàu vừa lo được chuyện làng, chuyện nhà; nuôi được heo, vịt, con trâu, con bò nhưng nỗi buồn, lo cũng không nhỏ. Anh Rải bùi ngùi tâm sự: “Bàu này, nếu không có nạn rà xung điện thì quý biết mấy. Mặc dù chính quyền xã, thôn áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng một bộ phận người dân hám lợi trước mắt, quên chuyện lâu dài đã lén lút hoạt động. Bàu rộng, lác dày, lực lượng chức năng lại mỏng, rất khó khăn trong việc phát hiện, xử lý. Nếu ai cũng ý thức được rằng: ăn hôm nay phải để ngày mai thì mặt nước bàu Đưng sẽ luôn nhộn tăm, sóng cá đi về!”.

Du lịch, GO! 0 Theo báo Bình Định, internet

Hang đá Đắk Tur - Thật hay giả?

Hang đá Đăk Tur là một di tích lịch sử tại Đắk Lắk, được Bộ văn hóa -thông tin xếp hạng vào năm 1991.

Khu di tích nằm ở địa bàn xã Cư Pui, cách trung tâm xã khoảng 6km, cạnh dòng thác Đăk Tur.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Hang đá Dak Tuar là nơi đóng quân của Tỉnh ủy Đắk Lắk và các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh.

Địa hình khu vực xung quanh hang rất hiểm trở, hang rất rộng gồm nhiều tầng, nhiều lớp có thể đủ chỗ ở cho cả sư đoàn quân chủ lực. Mỹ, Ngụy đã  nhiều lần dùng máy bay ném bom, tổ chức nhiều cuộc càn quét hòng tiêu diệt khu căn cứ đầu não này nhưng đều thất bại thảm hại.

Tháng 5/1965, tại hang đá này, Tỉnh ủy đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc H9 vùng dậy phá ách kìm kẹp của địch, giải phóng một vùng đất rộng lớn về phía đông của tỉnh, vùng đất này nay thuộc huyện Krông Bông. Từ vùng căn cứ cách mạng này, Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kháng chiến, giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, mở màn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay đường vào di tích lịch sử này đã được đầu tư nhiều để tạo điều kiện cho du khách đến tham quan cũng như các hoạt động về nguồn của tuổi trẻ và quân, dân Đắk Lắk.
Tuy nhiên...

Hang Dak Tuar - di tích lịch sử giả tạo ở Đăk Lăk

Những nhân vật lịch sử được nhắc đến trong hồ sơ xét duyệt đang yêu cầu Tỉnh ủy, UBND Đăk Lăk kiểm tra lại tính chính xác của các tài liệu về di tích lịch sử Dak Tuar. Họ khẳng định hang đá này chưa bao giờ là căn cứ kháng chiến như bản lý lịch di tích được Bộ VH-TT công nhận năm 1991.

Theo bản lý lịch di tích lịch sử cách mạng hang đá buôn Dak Tuar năm 1990 của Bảo tàng tỉnh thì năm 1961, trong một trận càn quét của quân Mỹ và lính chế độ Sài Gòn cũ, toàn bộ dân buôn Tuar (nay thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông) chạy tránh nạn trên núi Chư Yang Sin. Tại đây, 2 người làng phát hiện một hang đá vừa rộng, vừa dài, gần nguồn nước, có nhiều ngóc ngách thuận tiện cho việc trú quân, ăn ở lâu dài. Sau đó, tỉnh ủy Đăk Lăk đã chọn hang này làm căn cứ. Một số cán bộ lúc đó như ông Huỳnh Văn Cần, Mười Nguyên, Lê Chí Quyết, A Ma Thưng, Nam Vinh, Yblốc Êban, Lê Hữu Kiểng… đã ở đây chỉ huy cuộc kháng chiến.

Bản lý lịch có đoạn: “Gộp Chăng (tức hang đá Dak Tuar) không chỉ là đường dây chuyển liên lạc thông tin tiếp tế từ miền Bắc hậu phương lớn vào miền Trung và các tỉnh miền Nam… mà còn là trung tâm chỉ đạo cách mạng trong toàn tỉnh. Hang đá Dak Tuar mãi mãi đi vào lịch sử…”.

Căn cứ vào hồ sơ này, kèm với ý kiến của Sở VH-TT và tờ trình của UBND tỉnh Đăk Lăk, ngày 3/8/1991 Bộ VH-TT ký quyết định công nhận hang Dak Tuar là di tích lịch sử.

Thế nhưng trong danh mục 8 tài liệu tham khảo của Bảo tàng Đăk Lăk nêu ra, kể cả tài liệu tin cậy nhất là các quyển Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk, Vấn đề xây dựng căn cứ miền núi từ năm 1954-1970, Chỉ thị về nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng Tây Nguyên... đều không hề nhắc đến hang đá Dak Tuar.

Những nhân vật lịch sử được nhắc đến trong hồ sơ xét duyệt di tích lịch sử như ông Huỳnh Văn Cần (nguyên bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk), Hoàng Lê (nguyên chánh văn phòng Tỉnh ủy), Lê Hữu Kiểng (nguyên tỉnh đội trưởng) đều khẳng định chưa hề một ngày ở trong hang Dak Tuar. Có người còn nói không biết hang đá đó ở đâu. Ông Hoàng Lê nói: "Trong kháng chiến chống Mỹ, cơ quan chỉ huy có đóng tại buôn Tuar, chứ không ở trong hang đá. Nếu công nhận di tích lịch sử thì phải công nhận buôn Tuar chứ không phải hang đá nào đó".

Ông Huỳnh Văn Cần, nay là cán bộ hưu trí, cho rằng: "Để công nhận một địa danh là di tích lịch sử, trước hết phải khảo sát, tập hợp tài liệu, gồm văn bản, hiện vật, lời kể của những nhân chứng sống... Tất cả được lập thành hồ sơ và được đưa ra hội thảo để xem xét độ chính xác của tài liệu, giá trị tầm vóc của di tích, sau đó mới có thể kết luận và đề nghị công nhận. Thế nhưng bảo tàng Đăk Lăk đã không hề đưa ra được bất cứ hiện vật, tài liệu, văn bản, nhân chứng nào chứng minh cho bản lý lịch hang đá Dak Tuar". Ông Cẩn khẳng định những chi tiết trong lý lịch Dak Tuar như: “Từ một hang đá hoang vu nơi chốn rừng thiêng nước độc đã trở thành ngôi nhà thiên nhiên kín đáo vững chắc, tỉnh ủy cùng các cơ quan ban ngành đã đóng chốt cùng với toàn dân Dak Tuar mà hầu hết là người dân tộc M’nông để tổ chức cuộc kháng chiến...” là không có thực.

Các vị lão thành cho biết đã nhiều lần đề nghị Tỉnh ủy Đăk Lăk xác minh vấn đề này, và UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở VH-TT tỉnh giải trình. Nhưng đã hai tháng qua, chuyện thật giả của “di tích lịch sử cách mạng Dak Tuar” vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh làm rõ.

Du lịch, GO!- Theo VnExpress, internet

ĐGD: Thật giả vẫn chưa ngã ngũ nhưng về phương diện cảnh vật thiên nhiên thì hang đá Đắk Tur vẫn là một chốn hoang sơ, đẹp...

Hành trình khám phá Đắc P’ree

Bằng “con ngựa sắt”, từ TP Đà Nẵng, độc giả Hoàng Nguyên và bạn bè quyết định vượt đường rừng gần 200km để khám phá cuộc sống sinh hoạt của đồng bào người Ve ở xã biên giới Đắc P’ree.

< Buổi sáng, Chà Vàl trong sáng lạ thường, tạo cảm hứng để chúng tôi lên với buôn làng Đắc P’ree.

16h chiều, vừa đặt chân đến xã Chà Vàl – trung tâm của các xã vùng cao Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) cũng là lúc cơn mưa rừng đổ xuống khiến chúng tôi phải tạm dừng chân qua đêm. Sáng hôm sau, bầu trời Chà Vàl trong sáng lạ thường. Sau cuộc vui ly cà phê ở phố núi, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình khám phá Đắc P’ree , bỏ lại sau lưng những ánh mắt nhìn thẳng, đầy ngạc nhiên của người dân bản xứ.

< Những cung đường đất ngoằn nghoèo thú vị.

< Dưới những sườn đồi, bản làng người Ve ở thôn 58 hiện rõ nét hoang sơ, kỳ vĩ.

Hơn 7h sáng, nhóm chúng tôi đã lục đục chuẩn bị hành lý để thực hiện một chuyến “phượt” dài lên xã biên giới Đắc P’ree. Sau cơn mưa hôm trước, đường đất lên Đắc P’ree trở nên khá thuận lợi, đất khô mịn ngoằn ngoèo, trượt dài theo từng con dốc thẳng đứng đến thót tim. Một cảm giác mạnh khiến nhóm “du lịch bụi” của chúng tôi thích thú.
< Buổi sáng, những chuyến xe chở thịt cá “di động” đến tận buôn làng.
< Cô chủ người Ve bên một góc quán nước hiếm hoi tại Đắc P’ree.

Hơn 10h, Đắc P’ree hiện hữu trước mặt chúng tôi là một khung cảnh hoang sơ, bao trùm cả một không gian núi rừng bạt ngàn. Đứng trên vạt đồi ngắm xuống làng bản của đồng bào người Ve nằm phái dưới thung lũng đẹp, giữa một bên dòng suối Ring hiền hòa. Từng cơn gió Lào khô khốc thổi mạnh, những rừng cây rậm rạp tỏa bóng xanh ngát giữa lưng chừng đèo tạo cảm giác miên man đến kỳ diệu.

< Từ quán nước, nhìn sang bên chiếc cầu treo, hai mẹ con người Ve trở về trong vội vã.
< Sau buổi lên nương, thanh niên Đắc P’ree lại vui chơi thể thao trước sân của làng.
< Đồng bào người Ve thường có một gian bếp treo đầy thịt rừng khô làm lương thực.


< Cùng du khách chung vui rượu Tà-vạt và món Láp truyền thống.
< Trẻ em tung tăng trên con đường quốc phòng vừa mới mở.

Tạt vào một quán nước nhỏ ngay cạnh chiếc cầu treo thôn 58 (xã Đắc P’ree) để giải khát, cô chủ quán cũng là người dân tộc Ve hồ hởi khoe: “Ở đây chỉ có một quán nước này thôi. Người dân mỗi khi từ rẫy về cũng đều ghé vào uống nước”. Từ quán nước, nhìn qua bên kia sông theo dây cáp của chiếc cầu treo, hai mẹ con người Ve vừa mới từ nương trở về nhà y hệt như đang đi trên không trung, rất vội vã.

< Khi ánh nắng bắt đầu lên, đồng bào Ve lại tranh thủ phơi thóc.
< Những trẻ em người Ve tắm nước bên con dốc đầu làng.
< Và tranh thủ tung chài bắt cá, cải thiện đời sống.

Chiều, ánh nắng vàng vọt phủ khắp núi đồi. Hàng chục thanh niên người Ve cùng nhau ra sân trước làng chơi bóng chuyền. Những nét mặt căng thẳng trong mỗi pha bóng, hay những tiếng cười giòn tang sau mỗi trận đánh thắng đã làm vang khắp núi rừng, cùng tiếng hò reo cổ vũ của các “cổ động viên” trong buôn. Một không khí vui chơi sôi nổi, hào hứng giữa núi rừng hoang sơ tạo nhiều ấn tượng đối với nhiều du khách lần đầu tiên đến thăm.

< Phút dừng chân bên vệ đường của các thiếu nữ sơn cước.
< Khi chưa có điện lưới quốc gia được kéo về, đồng bào người ve ở xã Đắc P’ree đã biết sử dùng máy tua-bin để phục vụ cuộc sống.

Tối đến, theo yêu cầu, chúng tôi được già làng Zơrâm Liếu đãi một chầu rượu Tà-vạt (một loại rượu được lấy từ thân cây) cùng món Láp gà, một món ẩm thực truyền thống rất độc của đòng bào Ve. Những chén rượu nồng được rót đều theo câu ca của già làng, đưa chúng tôi trở về với huyền thoại du dương, trầm bổng giữa bao la đại ngàn hùng vỹ.

Đêm Đắc P’ree, dịu dàng cùng lời hát người Ve…

Du lịch, GO!- Theo Zing

Du lịch Kon Tum

Kon Tum là tỉnh nằm ở phía bắc vùng Tây Nguyên 0 phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp tỉnh Gia Lai, phía đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía tây có biên giới dài 142 km giáp Attapeu, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và 95 km với Ratanakiri, Vương quốc Campuchia.

Kon Tum có diện tích tự nhiên 9.614,5 km², phần lớn diện tích tự nhiên nằm ở phía đông dãy Trường Sơn nên địa hình Kon Tum nghiêng dần từ đông sang tây và thấp dần từ Bắc xuống Nam.

Theo ngôn ngữ Ba Na thì Kon là làng, Tum là hồ và Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ, bởi xưa kia khu vực này đã từng có một hồ lớn.

Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, với 96 xã, phường và thị trấn, bao gồm
Thành phố Kon Tum, Huyện Đắk Glei, Huyện Đắk Hà, Huyện Đắk Tô, Huyện Kon Plông, Huyện Kon Rẫy, Huyện Ngọc Hồi, Huyện Sa Thầy, Huyện Tu Mơ Rông.

Kon Tum nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Nhiệt độ trung bình năm phổ biến các nơi đạt 22 – 23 độ C. Độ ẩm bình quân hàng năm 78 – 87%. Lượng mưa trung bình 1.730 – 1.880 mm, có sự phân hóa theo thời gian và không gian. Khí hậu chia 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa chủ yếu bắt đầu từ tháng 4, 5 đến tháng 10, 11, tập trung đến 85 – 90% lượng mưa cả năm.
Một số địa chỉ du lịch Kon Tum như:

Vườn quốc gia Chưmomray

Với tổng diện tích 48.658ha thuộc huyện Sa Thầy và huyện Ngọc Hồi, cách thành phố Kon Tum 55km về phía Tây. Vườn quốc gia Chư Mom Ray là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động, thực vật rừng quý hiếm, các thảm thực vật rừng nguyên sinh, các sinh cảnh quan trọng. Bảo vệ, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn thuỷ điện Ya Ly, các con sông trong vùng, bảo đảm an ninh môi trường và phát triển bền vững kinh tế tự nhiên.

Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng bắc Tây Nguyên. Chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng. Tham gia hợp tác quốc tế về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên liên biên giới Việt Nam – Lào-Campuchia.

Khu vực lòng hồ Ya Ly

Ya Ly đã thực sự là một cái tên rất quen thuộc đối với du khách trên mọi miền đất nước, khi nói đến Ya Ly người ta thường nghĩ đến cảnh đẹp, núi non hùng vĩ và là nơi tiềm ẩn những huyền thoại.Thuỷ điện Ya Ly đã hình thành một khu vực lòng hồ rộng lớn.

Du khách có thể xuất phát từ làng du lịch ĐăkBlà (thành phố Kon Tum) xuôi về làng văn hoá dân tộc Jarai (phía trên đập thuỷ điện) nơi đây còn nguyên nét văn hoá sơ khai của dân tộc Tây Nguyên. Với cảnh quan thiên nhiên, con người, khu vực lòng hồ Ya Ly thực sự là nơi thăm quan, du lịch lý tưởng với những người yêu thích thiên nhiên, tìm về cuội nguồn.

Rừng thông Măng Đen (Kon Plong)

Từ Kon Tum theo quốc lộ 24 về hướng Đông khoảng 55km, cách huyện lỵ Kon Plong chừng 10 km du khách đến một rừng thông bạt ngàn mênh mông trên một bình nguyên bao la ở độ cao 1.100 m so với mặt nước biển, có những cây thông đã được trồng từ lâu, sừng sững và cao vút. Rừng thông Măng Đen đang là điểm du lịch và nghỉ ngơi của nhân dân địa phương và du khách.

Rừng đặc dụng Đăk Uy

Rừng đặc dụng Đăk Uy cách thành phố Kon Tum 25 km về phía Bắc, theo quốc lộ 14 thuộc xã Đăk Mar, Hà Mòn - huyện Đăk Hà.

Rừng đặc dụng Đăk Uy có diện tích 690 ha, nằm ở một địa hình khá bằng phẳng, thuận lợi về mặt giao thông và các thuận lợi khác. Rừng có nhiều loại gỗ quí sống hỗn giao, như Cẩm lai, giáng hương, gỗ trắc,... ở đây các cây dược liệu, các loại hoa cũng rất phong phú và đa dạng như Sa nhân, Sâm Nam,..., tại khu vực này có nhiều động vật quí sinh sống... Rừng có nhiều loài chim như: Cò trắng, vạc, nhồng, sáo đen, gà rừng...tạo ra nét phong phú, sinh động cho một khu du lịch sinh thái.

Với những thuận lợi về phát triển du lịch, rừng đặc dụng Đăk Uy hiện nay là nơi thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ và đặc biệt các trường học trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức cho các em học sinh đến đây để thăm quan, tìm hiểu về các loại gỗ quí, các loại động vật thực vật nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái của học sinh.

Di tích lịch sử Ngục Kon Tum

Di tích lịch sử Ngục Kon Tum đã được xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia, di tích nằm trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đây là nơi thực dân Pháp đã giam giữ các chiến sỹ cách mạng của ta trong thời kỳ năm 1930 - 1931. Những ngôi mộ của những chiến sỹ vô danh, nhà ngục, các vật chứng tàn bạo của nhà ngục, những dấu tích của nó được thể hiện ngay trước mắt chúng ta, về một minh chứng hùng hồn về một cuộc đấu tranh đầy đau thương và mất mát, hy sinh nhưng vô cùng kiên cường, anh dũng của dân tộc ta trên con đường giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

Di tích lịch sử ngục Đăk Glei

Ngục Đăk Glei nằm ở phía Bắc thị trấn Đăk Glei, đi theo quốc lộ 14. ngục được xây dựng năm 1932 là nơi thực dân pháp đã giam giữ các chiến sỹ cách mạng Việt Nam trong những năm 1932 – 1954, trong đó có Nhà thơ Tố Hữu. Di tích ngục Đăk Glei đã được xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia, nơi đây hàng năm vẫn là điểm hẹn của các cán bộ lão thành ôn lại những kỷ niêm của thời đã qua. Du khách thăm quan khu du lịch này như thấy lại được tinh thần và ý chí cách mạng quật cường của những chiến sỹ cộng sản bị giam giữ, tù đày tại các nhà lao, nhà ngục của bon thực dân đế quốc.

Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh

Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh nằm trên một quả đồi có độ cao 600 m, cách thị trấn Đăk Tô 1 km về hướng Tây Nam. Di tích nằm trên quốc lộ 14 đoạn từ Đăk Tô đi Ngọc Hồi. Đây là chiến trường ác liệt nhất của khu vực Tây Nguyên, là căn cứ mạnh nhất của Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên được giải phóng tháng 4 năm 1972.

Hiện nay di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia, du khách đến thăm quan sẽ thấy sừng sững giữa trung tâm thị trấn Đăk Tô đài tưởng niệm chiến thắng thể hiện sự đoàn kết, chung sức chung lòng của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên với đảng, là nơi tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh tại nơi này.

Từ trung tâm thị trấn du khách sẽ nhìn thấy tấm bia lớn ghi lại chiến tích lẫy lừng của chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, sân bay Phượng Hoàng được Mỹ xây dựng trải dài trên 2 km theo đường đi huyện Ngọc Hồi.

Với các dữ liệu lịch sử sinh động, hấp dẫn hiện đang được huyện Đăk Tô tôn tạo, bảo quản sẽ giúp rất nhiều cho các du khách muốn tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hoá của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum và đặc biệt du khách đến thăm quan, nghiên cứu, tìm hiểu còn được thăm quan nét đặc trưng văn hoá của dân tộc Tây Nguyên (nhà Rông, các lễ hội, văn hoá, văn nghệ dân gian...) và nghỉ ngơi, thư giãn tại suối nước nóng Đăk Tô, Thác Đăk Lung thuộc địa phận xã Kon Đào.

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Nhà thờ nằm trên đường Nguyễn Huệ - thành phố Kon Tum, được xây dựng năm 1913, là một công trình được kiến trúc toàn bằng gỗ, đẹp theo lối Roman. Từ xa, tháp chuông cao ngất, sừng sững trên nền trời. Bên trong, cột và các giàn gỗ được lắp ghép một cách tinh xảo và khéo léo. Cung thánh nhà thờ được trang trí theo lối hoa văn của các dân tộc ít người Tây Nguyên. Nhà thờ là nơi các giáo dân cùng nhau đi lễ tạo nên những nét trang nghiêm và tôn kính của giáo đường.

Làng Du lịch Kon Ktu

Hằng ngày làng thường xuyên đón khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến thăm tỉnh cực Bắc Tây Nguyên. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc sắc còn nguyên sơ, với mái nhà rông truyền thống của người Bana cao vút, những nếp nhà sàn cổ kính. Đêm đến giữa sân nhà Rông của làng, củi được chất thành một đống to và được đốt lên, cái giá lạnh của cao nguyên sẽ bị xua tan hết, hơi ấm của sự mộc mạc, chân tình, gần gũi, thân thiện như hòa quyện nồng ấm giữa chủ và khách.

Du khách được xem chương trình biểu diễn cồng chiêng, với điệu múa xoang của các cô sơn nữ làng Konktu, cùng với rượu ghè thơm lừng ngây ngất hòa vào tiếng cồng chiêng bay bổng đến nức lòng. Đến đây khách có thể ngủ qua đêm tại nhà Rông của làng, cả con trai và con gái - đây là điều khác biệt của người Bana ở làng Kon ktu so với rất nhiều dân tộc khác sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên.

Đến Konktu, khách còn có thể đi thăm thác H'Lay và thác Mốp cách làng chừng 2000m, dòng thác tuôn trào trắng xóa đẹp như cô sơn nữ đang vươn mình chải tóc. Nếu thích, du khách sẽ được những người đàn ông Bana chèo thuyền độc mộc chở đi xuôi theo dòng Đắk Bla, dọc triền sông bạn có thể tha hồ ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, những cánh rừng nguyên sinh rủ bóng xuống lòng sông.

Đến Kontum, đi dọc làng du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều sơn nữ Bana xinh đẹp đang miệt mài ngồi dệt thổ cẩm, những chàng trai của làng thì đang đan gùi chuẩn bị cho việc nương rẫy vào năm sau.
Đến với Kontum, bạn sẽ được thỏa mãn đi thăm thú khắp nơi. Vùng đất Tây Nguyên luôn cuốn hút bởi những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, với phong cảnh hữu tình sẽ mang lại cho bạn những phút giây đáng nhớ.

Du lịch, GO!- Tổng hợp từ Wikipedia, Yeudulich, internet

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Vượt hai đảo về Long Hải (Phần 4)

Như mình đã đề cập: Dinh Cô hơi xô bồ vì bát nháo hàng quán (chỉ cấm buôn bán ngay bên cạnh thôi, còn bên kia đường thì ình xèo), thậm chí có cả karaoke hát hò tưng bừng mé biển.
Còn tại Mộ Cô này là một khoảng không gian tĩnh lặng đến tuyệt vời.

< Hoàng hôn trên biển Long Hải.

Mộ Cô cũng là một khu đền có kiến trức đẹp từa tựa như Dinh Cô nằm ngay trên đỉnh ngọn đồi Cô Sơn. Với những lối đi lên bằng các bậc thang đá chẻ được thiết kế hài hòa, bên trên là mái đình cong vút chen giữa những cây cổ thụ to lớn: Mộ Cô nổi bật giữa trời biển bao la.

< Một cặp đôi làm dáng dưới bãi để nhóm phụ trợ chụp ảnh, có lẽ làm album ảnh cưới hay "hâm nóng" lại tình yêu.
Phía trên này là một cô bé xíu không biết con nhà nhà ai cứ tung tăng chạy qua chạy lại trông thật ngộ nghĩnh.

Đây vừa là nơi thờ phụng, cũng là chốn "công viên" của người địa phương và cũng là thắng cảnh đẹp dành cho du khách. Nhưng cái mà mình thích nhất là khung cảnh bao quanh.
< Bãi đá phía trái Mộ Cô. Mình khoái chổ này...

Về lại nơi ấy lòng lâng lâng,
bốn mươi năm* trước chẳng phai tàn.
Hỏi mây, mây bảo người năm cũ,
hỏi đá, đá gọi chàng nghỉ chân.

< ... và cũng khoái cả đỉnh Hòn Hang này nữa! Mình sẽ trèo lên xem sao...

Nếu đứng tại Mộ Cô nhìn ra biển thì phía phải, cách nơi đây 1km là Dinh Cô và cũng là bãi tắm tự do trước Đoàn an dưỡng 298. Còn phía trái mộ là đỉnh Hòn Hang, đây là một dãy núi đá thấp trải dài ra biển, dưới chân là những rạng đá đen (trông sơ giống mica) ngày đêm sóng vổ ì ầm tung những làn bọt nước mù sương.
< Không quá phê nhưng khi được nữa đoạn đường thì giật mình: Ai mang Vạn lý trường thành cắm vào đây nhỉ? Thì ra đó là "hàng rào" của Anoasis resort - nhìn "ngứa con mắt bên trái, xốn con mắt bên phải"...

Qua khỏi Hòn Hang là Anoasis resort: đây là Khu du lịch được cải tạo lại từ một dinh thự cũ của Vua Bảo Đại và đi vào hoạt động từ năm 1999. Anoasis Beach Resort nằm trải dài trên một bờ biển hoang vắng với những bungalows lợp mái lá dừa nằm ẩn mình rải rác trên đồi thông kết hợp hài hòa giữa sự giản dị truyền thống dân tộc và tiện nghi hiện đại (4 sao?). Dịch vụ còn có một trung tâm làm việc và một nhà hàng hấp dẫn , thoáng mát trên sân terrace.
Có điều nơi đây không phải là chốn dành cho bọn phượt bụi mình.

< Lại tiếp tục "leo núi". Từ đoạn này phải cẩn thận vì rấr nhiều đá nhỏ, cạnh tròn nên dễ trượt chân. Nhưng kỹ lưỡng một tý, cứ đạp lên những tảng đá cắm chặt vào nền đất là ok - tránh bước trên phần đá cuội tròn tròn rải rác vì rất dễ trượt té, bước trên cỏ cây cũng được.


Gần đỉnh nhìn xuống: bạn thấy đẹp chưa? Cao hơn cả đồi Cô Sơn, nơi có Mộ Cô.
< Sóng biển dạt dào vàng óng áng như vàng bốn số 9. Trái đất tròn: vì vậy nhìn đường chân trời, ta thấy hơi cong cong...
< Chỉ còn mươi bước nữa là ra chóp đầu đỉnh đá - khúc này có một rãnh lở đầy cát, bên cạnh là cái miếu nhỏ.
Bạn cần cẩn thận từng bước tránh mép ngoài nhé, lỡ trượt một phát là toi vì hun hút dưới kia là đá với đá, đá đen nhọn đấy!
< Đứng đầu đỉnh nhìn phía tường thành: Đây là "ranh đất" chứ hoàn toàn không phải tường ngăn chận vì vẫn thông suối phần bãi biển. Vậy tại sao người ta lại dựng "con quái vật" này cà?
Giá như thế nó bằng một hàng cây xếp chen kẽ những khối đá to, nhỏ điểm tô bằng những lùm bụi thì đẹp biết mấy, lại phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.
Phát triển du lịch không phải bằng những tảng bê tông thô kệch.
< Nhưng thôi, đó là việc của người ta. Còn đây là chốn của mình...

Từ đây, nếu tới nữa là An Hòa Residence, Long Hải Beach Resort và cả nơi mà đường ống dẫn khí đốt từ biển Đông vào bờ. Hết bãi là đụng ngay Mũi Kỳ Vân - đèo Nước Ngọt - nơi đây có khu bãi đá đèo Nước Ngọt có khung cảnh đẹp: làm nền cho các album ảnh cưới thì hết sẩy.
< Lúc này nghĩ lại tiếc: hồi nãy không rủ "nữa kia" cùng lên. Nhưng vội gì, mai vậy.
Long hải là nơi mình qua lại nhiều lần trong các chuyến lãng du nhưng ở lại thì chỉ mới lần này.
Nếu tính đúng, tính đủ thì bà xã đã từng ở vài ngày tại đây trong chuyến viếng Dinh Cô hồi năm kia, theo tour của địa phương nhà.
< Những chốn này mình có thể ngồi ngắm hàng giờ mà không chán, thiên nhiên tuyệt vời làm sao!

Còn nếu tính đúng tính đủ với mình thì đây là lần 2. Lần đầu thì đã rất lâu rồi, có lẽ khoảng... 40 năm trước.
< Ngại ở dưới trông lâu nên mình trở xuống. Không muốn nhìn nhưng cũng phải thấy tường thành, he he...

Do ngày xưa còn nhỏ: năm nào ba mình cũng chở cả nhà đi Cap (Vũng Tàu), trong đó thì có 1 lần ba nổi hứng chuyển hướng đi Long Hải.
< Phía lưng lửng dưới kia là một trảng có bằng với lối mòn quanh co...

Long Hải thuở đó còn "siêu hoang sơ", hoang sơ tới mức chỉ tắm biển một buổi rồi ba lại chở cả đám quậy nhà mình trở về Vũng Tàu do nơi đây sóng lớn quá, lại không có khách sạn nhà nghỉ gì cả trong khi tiêu chuẩn của ba được nghỉ ở một căn villa tại Vũng Tàu.
< Mình theo lối này đi đại - ngắm dưới kia cảnh vật thật mê hồn.

Thời gian quá lâu nên trong tâm trí mình chỉ còn nhớ rằng Long Hải ngày ấy, nơi bãi biển bọn mình tắm chỉ có dăm ba chái nhà dài ven biển để khách ngồi ghế bố. Hải sản phục vụ thì cũng có nhưng không nhiều như Vũng Tàu. Cái mình còn nhớ nữa là rất thưa người, chỉ có nhà mình thôi - còn chung quanh là biển, là đồi cát và rừng dương.
< Hóa ra lối mòn thông đến đường vào Mộ Cô. Phía xa xa là mái của Tịnh Xá Ngọc Hải.

Duy chỉ một thứ không thay đổi sau một thời gian dài. Hơn 40 năm ròng, một thời gian thừa thải cho mọi sự thay đổi từ cảnh quan, cuộc sống... nhưng không đủ để thay đổi hình thù bãi đá Phước Hải (tức là bãi đá đèo nước Ngọt) dưới kia.
< Ráng chiều hoàng hôn thật rực rỡ.
< Lác đác đây đó vài cặp tình nhân ngồi thỏa mình trong làn gió chiều tà.
< Và mặt trời dần dần khuất bóng trên biển.
Bạn thấy ngộ không? Mặt trời lên phía Đông và lặn phía Tây - Phía Đông Việt Nam là biển Đông nhưng sao ông trời lại lặn phía biển nhỉ?
Biển Việt Nam mình có rất nhiều nơi có thể trông thấty ánh dương của bình minh lẫn hoàng hôn trên biển cùng một vị trí. Ví dụ gần nhất là tại đây hay ngay mũi Nghinh Phong ở Vũng Tàu cũng vậy.
< Theo "truyền thống" thì nửa kia của mình vẫn là người mẫu duy nhất của "nhíp ảnh gia" ế độ họ Điền...

Mọc và lặn trên biển không có gì khó hiểu cả nếu bạn xem bản đồ.
Đơn giản là do Long Hải, Vũng Tàu có vị trí như một mũi đất lớn nhô ra biển nên phần chóp có thể nhìn thấy biển ở cả hai hướng: Đông và Tây.
Hoàng hôn phố biển sầu trong mắt
Khe khẽ ai về lối sỏi quen
Người đi sương khói còn xa lắc
Nỗi nhớ chông chênh phố nhuộm đèn

Tà dương vội tắt ngàn thu biệt
Tóc mây một thuở hóa tơ ngàn
Bóng người đã khuất còn vương tiếng
Loang lổ chiều buồn ai lang thang.

(thơ Tăng Chánh Tín)

< Vậy là đã qua 1 ngày tại Long Hải, vùng đất ven biển khá gần Sàigòn nhưng là điểm lý tưởng để người thành thị thư giản, nghỉ mát trong dịp cuối tuần.
Lúc này đã là 17h36 phút ngày 22.11. Dưới bãi vẫn còn vài cô cậu bé chạy qua lại rông chơi bên cạnh mấy chiếc cần câu của người câu cá đêm - Sóng vẫn rì rào không ngơi nghỉ...

Nhưng buổi tối tại Long Hải có khối nơi để đi chứ không như Bình Tiên đâu nhé: chỉ cần chạy xe ra ngã 3 Mũi Tàu hay chợ là có khối thứ để nhấm nháp đấy. Bảo đảm là giá mềm nhưng chất lượng chắc cú phải ngon.

Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần cuối

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!