Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Chùa Sắc tứ Khải Đoan

Chùa Sắc tứ Khải Đoan (Sắc tứ Khải Đoan tự), là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả ở Đắk Lắk. Tên Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu.

Chùa bắt đầu được xây dựng từ năm 1951 với hai phần hậu tổ và nhà giảng, còn chính điện thì đến năm 1953 mới khởi công. Ngôi chùa này nằm trên đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Ma Thuột do Đoan Huy - Hoàng Thái Hậu mẹ vua Bảo Đại cho xây dựng và Nam Phương hoàng hậu trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công.

Chùa được xây dựng bởi bàn tay khéo léo của những người thợ cố đô Huế nên có kiến trúc nhà rường Huế xen lẫn với kiến trúc địa phương. Cổng chính theo hướng Tây Nam nhìn ra đường Quang Trung, hướng về thung lũng “Suối Đốc Học”. Trước và sau cổng đều ghi “Khải Đoan Tự”.

Toàn bộ ngôi chùa gồm cổng chính (cổng tam quan) hướng về phía Tây Nam, chính điện, điện Quan Âm, nhà hậu tổ.
- Cổng tam quan gồm hai tầng với ba vòm cửa cao 7m, rộng 10,5m.
- Tách biệt với chính điện là Ðiện Quan Âm hình lục giác, với sáu cây cột trang trí hình rồng, mây.
- Chính điện rộng 320m² gồm hai phần, phần trước kiến trúc theo kiểu nhà dài của Tây Nguyên nhưng cột kèo lại theo lối nhà rường của người Việt.
Nửa sau xây theo lối hiện đại.

Đáng chú ý nhất trong chánh điện là tượng Phật Thích Ca bằng đồng đặt chính giữa chính điện cao 1,1m với đài sen bằng gỗ quý cao 0,35m được trang trí rất công phu. Bên gian phải chính điện treo một quả chuông đồng cao 1,15m, chu vi đáy 2,7m, nặng 380kg do các nghệ nhân phường đúc đồng ở phía Tây kinh thành Huế làm vào tháng 1/1954 (tức tháng chạp năm Quý Tỵ).

Sau nhiều đợt trùng tu, cất thêm vài công trình mới, chánh điện vẫn y như cũ và dành để thờ Đức Thích Ca; bên hông trái của chùa có tòa lục giác thờ Quan Âm Bồ tát. Ngoài việc là một trong những di tích lịch sử hấp dẫn của thành phố Buôn Ma Thuột, chùa Khải Đoan còn là nơi thể hiện dòng chảy của đạo pháp dân tộc trên đất Tây nguyên.

Khải Đoan là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong Sắc tứ của chế độ phong kiến và là một địa điểm không thể không ghé thăm khi đến Đắk Lắk.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

Trong cuộc kháng chiến cứu nước, chùa Khải Đoan là nơi có phong trào Phật giáo yêu nước đấu tranh đòi hòa bình thống nhất Tổ quốc. Chùa còn là nơi đùm bọc, che chở cho nhiều quần chúng cách mạng hoạt động, chùa khải đoan chính là nơi nổ ra các cuộc đấu tranh chính trị góp phần quan trọng vào phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tháng 09.1959 gần 7.000 Phật tử đã tổ chức một cuộc biểu tình tại chùa Khải Đoan đòi Ngô Đình Diệm phải thi hành Hiệp định Geneve. 


Tháng 07.1963, Đại Đức Thích Quảng Hương (chánh đại diện Phật giáo DakLak kiêm trụ trì chùa Khải Đoan) phát nguyện tự thiêu đúng vào lúc phái đoàn quốc tế đến thị sát tình hình, làm cho cuộc đấu tranh của Phật giáo DakLak bùng lên quyết liệt. Sáng 30.01.1968 (tức mồng một Tết Mậu Thân) gần 7.000 quần chúng Thị xã Buôn Ma Thuột tập trung tại chùa Khải Đoan nghe tuyên truyền về chính sách mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó tuần hành trên đường phố.


Cùng với Biệt Điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao, Nhà đày Buôn Ma Thuột, chùa Khải Đoan là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn đồng thời cũng là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh DakLak và của Thành phố Buôn Ma Thuột.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét