Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Ra hòn Đỏ xem lễ tục Lỗ Lường

Ngoài những lệ cúng chung như các địa phương có nghề biển khác, cư dân trên hòn Đỏ (thuộc tỉnh Khánh Hòa) còn có tục thờ cúng Lỗ Lường, tương tự lễ hội Nõ Nường nổi tiếng ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ).

Hòn Đỏ, thuộc xã Ninh Phước, là một đảo nhỏ nằm ở phía đông bắc bán đảo Hòn Hèo, ngoài khơi thị xã Ninh Hòa, cách đất liền khoảng 10km. Theo người dân địa phương, đảo có tên như thế vì vào mỗi sáng sớm hoặc lúc chiều tà, các khối đá trên đảo thường chuyển từ màu vàng nhạt sang màu đỏ sậm.

Đây là một hòn đảo xinh đẹp với những bãi cát hoang sơ, những gành đá thiên tạo muôn màu muôn vẻ, những giếng nước ngọt tự nhiên, những ngôi miễu thờ và những câu chuyện linh thiêng, huyền bí gắn liền với nghề lưới đăng truyền thống.

< Hòn Đỏ ngoài khơi hải phận Ninh Hòa.

Phía bắc và phía đông đảo là vịnh nước sâu, có nhiều khối đá cao lớn mang nhiều hình thù, màu sắc thật kỳ vĩ. Phía nam đảo là một mũi đá rất đẹp, có tên mũi Chầm Vọng. Từ mũi Chầm Vọng đi về hướng tây khoảng 1km, du khách sẽ gặp bãi cát rộng tên là bãi Trường, nước biển trong xanh, phẳng lặng, nơi đây có miễu Hội Đồng và hai miễu nhỏ ngư dân quen gọi là miễu Cô, miễu Cậu.

Phía sau miễu có đường mòn dẫn lên vại thờ Bà Chúa Đảo trên đỉnh núi. Ở hướng đông nam đảo có bãi và gành thấp dần, là nơi đóng lưới đăng của sở đầm Hòn Đỏ (thuộc Hợp tác xã nghề cá Mỹ Giang), đầm đăng duy nhất ở Ninh Hòa.

< Đáy hang là tảng đá lớn với khe nứt ở giữa giống hình âm vật của người phụ nữ, mà ngư dân gọi trại đi một cách tôn kính là Lỗ Lường.

Trên gành, từ chỗ móc gang lưới men theo triền núi nghiêng xuống về hướng tây chừng 80m đến một hang đá nhỏ ở độ cao cách mặt biển khoảng 15m. Đáy hang là một tảng đá thật to với một kẽ nứt ở giữa. Đã bao đời nay ngư dân lưới đăng trên đảo gọi tảng đá có khe nứt nói trên một cách tôn kính là Lỗ Lường hay Khe Bà Lường, còn cái hang có tảng đá đặc biệt này gọi là hang Lỗ Lường. Ngư dân dùng sơn đỏ bôi lên khe đá và viền màu vàng xung quanh, ở đó có một bệ thờ nhỏ bên cạnh là năm thanh gỗ tròn sơn đỏ, tạc hình dương vật - ngư dân gọi trại là “bộ đồ”.

< Miễu Hội Đồng trên bãi Trường.

Cách hang Lỗ Lường không xa là miễu Bà Lường, bên trong thờ tượng bà bằng gốm sứ và cặp ngựa hồng đứng chầu hai bên. Hàng trăm năm qua, ngư dân lưới đăng sở đầm Hòn Đỏ thờ cúng Bà Lường tại miễu và hang Lỗ Lường, vì lệ xưa ông bà để lại và cũng vì lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự linh ứng sau những buổi lễ cầu ngư.

Ngày nay, sau những dịp cúng xuân và cúng thu ở đình làng Mỹ Giang, ban tế lễ và bà con ngư dân lên thuyền ra đảo, mang theo lễ vật cúng tại miễu Bà Lường và hang Lỗ Lường. Người chủ tế ra hang Lỗ Lường van vái, khấn nguyện rồi kính cẩn dùng thanh gỗ đỏ làm động tác tượng trưng cho sự giao phối, dâng hiến để Bà Lường vui lòng, ban cho ngư dân ước nguyện “biển no”, trúng mùa nhiều cá.

< Bên cạnh bệ thờ trong hang là 5 thanh gỗ tạc hình dương vật - còn gọi là “bộ đồ” - dùng vào việc cúng lễ.

Trước đây, ngoài sở đầm trên hòn Đỏ, còn nhiều sở đầm ở tỉnh Khánh Hòa có tục thờ cúng Lỗ Lường như đầm Nghi Phong Diêu Chữ - tục gọi Bãi Dầm (huyện Vạn Ninh), hòn Một (TP Nha Trang), hòn Nhàn (TP Cam Ranh). Ngày nay chỉ còn sở đầm Hòn Đỏ duy trì lễ tục độc đáo này.

Hằng năm, từ khoảng tháng giêng âm lịch, các loài cá nổi di cư theo mùa từ vùng biển phía nam ra phía bắc, ngư dân địa phương gọi là “mùa cá lên”. Đến cuối tháng tư, cá từ vùng biển phía bắc chạy vô nam là mùa cá lại. Trong lúc di chuyển, đàn cá gặp vách núi của đảo hay bán đảo nhô ra biển nên chạy dọc theo gành đá.

< Những ngày “biển đói”, người đại diện đầm đăng đến hang Lỗ Lường van vái cầu xin Bà Lường cho trúng mùa nhiều cá.

Từ đặc điểm này mà hàng trăm năm trước, ngư dân Khánh Hòa đã phát kiến phương pháp đánh bắt độc đáo là lưới đăng có quy mô lớn, lao động nhiều, sản lượng cao - chủ yếu là các loài cá ngon như cá thu, cá bò, cá ngừ... nhưng không cần di chuyển giàn lưới mà chỉ cắm, đón lõng ở những nơi cố định chờ cá đến.

Nghề lưới đăng làm theo mùa vụ (mỗi năm chỉ một mùa 5-6 tháng), giăng lưới tại sở đầm cố định, không thể đang giữa mùa di chuyển đến nơi khác nên tính may rủi là rất lớn. Nếu lâu ngày không đạt năng suất đánh bắt, “biển đói” người cũng đói, không có tiền đóng thuế, trả công thợ bạn... vì thế ngư dân tin tưởng tuyệt đối vào sự phù hộ độ trì của các vị “thần linh biển cả”, trong đó có Bà Lường và việc thờ phụng cúng kiếng từ khi dọn nghề đến ngày mãn mùa cá là vấn đề cực kỳ hệ trọng.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre, ThethaoHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét